Scamming, hay còn gọi là lừa đảo, đang hoành hành trên khắp các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và Google+, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về tiền bạc cho người dùng.
Internet không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người, nhưng với những ai chưa hiểu rõ về mạng xã hội, sẽ rất khó để nhận biết những thông tin lừa đảo giữa vô vàn thứ đập vào mắt chúng ta hàng ngày.
Theo The Verge, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa có động thái phòng tránh nạn lừa đảo người tiêu dùng trên mạng, yêu cầu các công ty Facebook , Twitter và Google+ áp dụng biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này.
Ủy ban Châu Âu yêu cầu hành động trong hai khía cạnh. Thứ nhất, trang mạng cần làm rõ điều khoản dịch vụ để bảo vệ người dùng hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa, các trang mạng xã hội "không được phép yêu cầu người dùng từ bỏ những quyền lợi bắt buộc, ví dụ như quyền được rút khỏi thương vụ mua bán trên mạng, và nội dung quảng cáo phải được niêm yết rõ ràng."
Thêm vào đó, "các điều khoản dịch vụ không được phép giới hạn hoặc loại bỏ trách nhiệm của bên chủ quản mạng xã hội về chất lượng dịch vụ."
Liên minh châu Âu (EU) cũng yêu cầu những mạng xã hội trên xóa hoàn toàn các bài đăng lừa đảo có thể gây hoang mang cho người dùng. Dưới đây là một số ví dụ:
- Lừa đảo khiến người dùng phải trả tiền;
- Bẫy đăng ký dưới dạng người dùng được phép thử miễn phí, nhưng không được cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng;
- Quảng cáo sản phẩm giả mạo, hàng nhái;
- Quảng cáo lừa đảo như "trúng điện thoại thông minh chỉ với 30 nghìn đồng" hiện đang tràn lan trên mạng xã hội. Tuy khả năng trúng thưởng là có thật nhưng lại đòi hỏi đăng ký với mức giá hàng chục triệu đồng mỗi năm.
EU tuyên bố đã họp mặt với cả ba công ty nói trên, và đặt ra thời hạn một tháng để đưa ra đề xuất về giải pháp chấp hành với quy chuẩn của EU, hoặc phải đối mặt với động thái pháp lý.