Vấn đề không phải 500.000 hay 1 triệu USD, cũng không phải đầu việc của bạn có những gì, mà là giá trị bạn mang về đáng giá ra sao.
Mới đây, một người dùng Quora đã tò mò đặt câu hỏi: Những kỹ sư kiếm được 500.000 USD mỗi năm thường làm công việc gì?
Amin Ariana, một cựu kỹ sư của Google đã đưa ra câu trả lời hết sức chi tiết dưới đây.
Cơ sở của câu hỏi này phần nào đó có hơi lệch lạc: Chẳng công việc nào có thể đảm bảo mức thu nhập 500.000 USD cho một kỹ sư hết. Khoản lương như vậy thường là tổng lương hàng tháng cùng một số cổ phiếu hạn chế trong công ty. Để dễ hiểu hơn, hãy so sánh đơn giản thế này:
Nếu bạn là công nhân chuyên cung cấp nước cho một ngôi làng, bạn có giá trị với mọi người ở đây. Thực tế, chúng ta có hai kiểu công nhân:
Loại 1:
Chuyên lấy xô chậu ra hồ lấy nước và mang về đổ cho mọi người, khiến 20 người hạnh phúc vì có nước dùng. Anh ta cũng sẽ uống một chút nước dọc đường đi, và khi về đến làng, anh ta cũng sẽ lấy một ít nước mang về cho chính mình.
Loại 2:
Không quan tâm gì đến lượng nước anh ta lấy được mỗi ngày. Thay vì lấy mang chậu ra hồ đong nước, anh ta chỉ mang một cái xẻng và một chiếc cốc nhỏ rồi biến mất hút một thời gian. Anh đào một đường dẫn nước từ hồ cho đến làng.
Thường anh chàng công nhân loại 2 này khiến mọi người thất vọng vì thường trở về làng sau nhiều tuần vẫn chỉ mang về một chiếc cốc rỗng. Thế nhưng những người già trong làng thì vì một lý do gì đó, lại tin tưởng anh và muốn giữ anh lại làm việc, thậm chí còn đưa cho chút đồ ăn để anh không chết đói những tháng ngày làm việc.
Một ngày nọ, anh ta bất chợt xuất hiện với một đường ống dẫn nước chảy thẳng về làng. Anh thậm chí còn khiến các công nhân loại 1 kể trên mất việc – họ buộc phải liên hợp lại với nhau tìm một công việc chân tay khác.
Tùy vào mức độ nắm giữ nguồn nước mà hai người công nhân này đều có được một phần nguồn nước. Bởi ngôi làng muốn mua và đồng bộ nguồn nước này cho người dân, họ đánh đổi quyền sở hữu nguồn nước đó cho hai người công nhân.
Mấu chốt ở đây là công sức bỏ ra không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với giá trị tạo được. Người công nhân loại 2 sẵn sàng phá bỏ một số quy tắc, trở thành kẻ dị biệt, dám chịu đói một thời gian để tạo ra nguồn nước tự động cho ngôi làng. Trong khi đó, công nhân 1 lại kỳ vọng được trả lương ngay từ khi sử dụng những kỹ năng, thực hiện những nhiệm đơn giản hàng ngày.
Hầu hết những người đi tiên phong trong khu làng này đều là công nhân loại 2, những người chấp nhận chịu đói khổ nhiều năm liền trước khi kiếm lại về hàng tỷ đô la. Những kỹ sư này có thể nhận được nhiều cổ phần hạn chế trong công ty do:
- Từ những ngày đầu công ty mới hoạt động, khi họ chịu trách nhiệm tạo ra những giá trị cốt lõi cho công ty.
- Tạo ra giá trị một cách tình cờ khi thực hiện một dự án phụ nhưng cuối cùng lại mang về ý nghĩa rất lớn.
- Rời “ngôi làng” này để đến với ngôi làng khác.
- Một cách nào đó sở hữu những kiến thức đáng giá về một nguồn giá trị nào đó cho tổ chức của họ.
Nhiều người vẫn thấy chưa thực sự hiểu những điều trên, thậm chí còn hỏi về kỹ năng thương lượng tăng lương với sếp dựa trên những đóng góp của họ trong công ty.
Ví dụ thực tế dưới đây sẽ giúp làm sáng rõ hơn vấn đề:
Tháng 5 năm 2009, một nhân viên loại 1 ứng tuyển công việc tại Twitter. Anh ta bị từ chối. Đến tháng 8 năm 2009, anh lại ứng tuyển vào Facebook. Anh bị từ chối tiếp lần nữa.
Chính vì vậy, anh quyết định thực hiện một “cuộc phiêu lưu”, chọn các công việc loại 2 để chứng minh với chính hai công ty từng từ chối dịch vụ loại 1 của anh.
Trong khi anh cùng một người bạn đào sâu tìm kiếm nguồn giá trị mới, họ đã thu phục và mở rộng nhóm của mình lên 55 người. Các "bô lão" ở những ngôi làng khác lại tiếp tế cho họ tiền của để làm việc, đầu tiên là 250.000 USD, sau đó là 8 triệu USD, rồi lên đến 50 triệu USD từ quỹ đầu tư Sequoia Capital, bởi nhóm họ chứng minh được tiềm năng thành công lớn.
Và thành quả là đây, vài năm sau nỗ lực không mệt mỏi của hai “công nhân loại 1 biến thành loại 2” này, Facebook đã phải thông báo mua lại công ty của họ với giá 19 tỷ USD (Facebook mua lại WhatsApp vào tháng 2 năm 2014).
Những dòng tweet của Brian Actor về việc bị Twitter và Facebook từ chối nhận vào làm
Brian Acton, sau 5 năm “đào nguồn doanh thu mới” cho Facebook, cuối cùng đã nắm trong tay một lượng lớn cổ phần của mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nơi anh từng ứng tuyển vào làm nhưng “tạch”.
Bạn có nghĩ 55 nhân viên đầu tiên của WhatsApp phải thương lượng mức lương 500.000 USD mỗi năm tại Facebook?
Các nhân viên loại 2 chẳng bao giờ so đo hay thương thảo về lương, bởi họ không bán dịch vụ cho một ngôi làng (doanh nghiệp) mà bán những nguồn giá trị chưa được ai nhìn ra. Và ngôi làng từng thất vọng về họ kia, cuối cùng sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc đãi ngộ họ xứng đáng với những gì họ mang về.